image banner
Di tích – Danh thắng

1.Tổ đình Linh Sơn, tên địa phương gọi là chùa Núi hay chùa Rạch Núi ở Ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Chùa Núi được xây cất trên một gò đất cao mà dân địa phương ví như một ngọn núi thấp, cao hơn vùng đất thấp, đất nông nghiệp khoảng 5 - 6m. Dưới chân gò núi đất về hướng Tây có con rạch nhỏ, một nhánh của sông Cần Giuộc bao quanh, dân địa phương gọi là Rạch Núi. Ở hướng Đông gò núi có ngôi trường được đặt tên là Trường Rạch Núi. Cách gò núi vài trăm mét thuộc xã Phước Vĩnh Tây có một cái chợ được đặt tên là chợ Rạch Núi.

 Về di tích nơi đây có hai phần để tìm hiểu:

- Di tích văn hóa: Chùa Núi.
- Di tích khảo cổ: Rạch Núi.

Khách thập phương muốn viếng chùa Núi có thể tổ chức theo đoàn đi bằng phương tiện xe hơi loại lớn theo lộ trình: - Từ ngã 4 Nguyễn Văn Linh - LTL 50 (huyện Bình Chánh) TP.HCM theo QL50 về hướng Cần Đước khoảng 25km, đến ngã 4 Chợ Trạm, rẽ trái khoảng 7km đến ngã 4 có trụ sở UBND xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, rẽ trái đi thêm 1,2km thì đến chùa Núi.

Di tích Lịch sử - Văn hóa: CHÙA NÚI

Vào năm Đinh Mão 1867, có nhà sư Nguyễn Quới, thường gọi là thầy Rau (vì thầy chỉ ăn rau, ăn đậu thế cơm), trên đường vân du đến phía Nam tỉnh Gia Định thấy một vùng đất có địa thế tốt nên ở lại và xây dựng chùa trên đỉnh gò để tu hành. Tên hiệu của chùa là “Linh Sơn Tự” hay còn gọi là chùa Núi.

Thuở trước, nơi đây còn hoang sơ, nhà cửa thưa thớt, chưa có chợ búa. 

Cùng ở với nhà sư có đệ tử Trần Văn Mẩn.

Hai thầy trò tu nơi chùa Núi trong vòng 5 năm thì qua đời.

Thầy Nguyễn Quới là người có công khai sáng nhưng không rõ đạo danh và cũng không biết thầy thuộc hệ phái nào. Sau đó có thầy Minh Nghĩa, hiệu Giám Huyền về chùa. Tuy về sau, nhưng thầy Minh Nghĩa được xem như là tổ khai sơn chùa Linh Sơn. Thầy Minh Nghĩa thuộc phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Ngươn đời thứ 38, là huynh đệ với tổ Minh Khiêm, một danh sư nổi tiếng ở Nam bộ thời bấy giờ với danh xưng tổ Núi Sam và đồng thời cũng là tổ đời thứ tư của chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình TP.HCM.

Dòng đạo Bổn Ngươn phái Lâm Tế có bài kệ 4 câu như sau:

          Đạo Bổn Ngươn thành Phật tổ tiên

          Minh như hồng nhựt lệ trung thiên

          Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

          Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền.

Từ ngày thành lập đến nay, chùa Linh Sơn đã trải qua  6 đời tổ. Tổ thứ nhất là Tổ Minh Nghĩa thuộc dòng đạo Bổn Ngươn phái Lâm Tế đời thứ 38. Tổ thứ hai, đời thứ 39 là Tổ Như Đức (Tâm Thọ). Tổ thứ ba là Quản Trị (Trừng Huệ). Tổ thứ tư là Trừng Lễ. Tổ thứ năm là Hồng Nhị (Thiện Lợi). Tổ thứ sáu là Lệ Thắng (Huệ Bạch), trụ trì từ năm 1986 đến nay. Thầy Huệ Bạch  từ chùa Giác Lâm ở TP.HCM  về Tổ Đình Linh Sơn từ năm 1968. Sau khi Tổ Thiện Lợi tịch vào năm 1986, thầy Huệ Bạch mới thay thế chức trụ trì và là vị sư thông thạo Hán tự.

Chùa được xây theo hình chữ tam gồm: chánh điện, giảng đường và hậu đường. Từ ngày thành lập đến nay, chùa đã trải qua 4 lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất vào năm Giáp Thìn 1904, chùa được tu bổ sau vụ bảo lụt năm Thìn. Lần thứ hai vào năm 1926, kế tiếp là vào các năm 1940, 1970 và 1988. Kiến trúc ngôi chánh điện hiện nay do Hòa thượng Thiện Lợi trùng kiến vào năm 1970. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm.

Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn lưu giữ được những yếu tố kiến trúc cổ truyền và hệ thống đồ thờ tự quý hiếm.

Đường lên chùa hiện nay phải qua cổng tam quan, qua sân chùa dài khoảng 30m, hai bên có thiết trí mỗi bên 5 tượng Phật Quan Âm đứng trên tòa sen cầm bình tịnh thủy, sẵn sàng rưới nước cam lồ độ trì cho những Phật tử đến chùa cầu nguyện điều lành. Ở bên trái sân chùa có điện thờ Tam Thế Phật. Theo lối đi bên phải lên một dốc ngắn thoai thoải, rồi bước lên 12 bậc cấp là đến cửa vào chùa.

Chùa thờ 6 vị tổ. Chùa có gần 100 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng cổ. Chùa còn giữ được một số cổ vật như hai bộ ván gõ dài 10m, ngang 2,5m, 1 đại hồng chung, 1 trống lớn…

Bên ngoài chánh điện ở về phía trái có 4 ngôi tháp mộ của các sư tổ.

Di tích Khảo cổ: RẠCH NÚI

Khu di tích khảo cổ Rạch Núi là một gò đất rộng khoảng 1 hecta, mặt bằng như một hình tròn, đường kính trung bình khoảng 100m, cao hơn 6m so với mặt đất tự nhiên, xung quanh có rạch bao bọc. Trên mặt gò đất có nhiều cây cổ thụ rất xanh tươi, bao quanh là Rạch Núi, một con rạch nhỏ, nhánh của sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát).

Cuộc khai quật lần thứ nhất di tích Rạch Núi được Sở Văn hóa - Thông tin Long An phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1978.  Hiện vật thu thập được rất đa dạng, ghi nhận rằng di tích nầy có tầng văn hóa dày đến 5 m, có tính chất liên tục, không gián đoạn. Hiện vật thu thập được rất phong phú, đa dạng, gồm có: những công cụ bằng đá, bằng xương, các loại đồ dùng bằng đất nung, đồ gốm (có đến hàng vạn mảnh). Về niên đại khảo cổ của di tích Rạch Núi, các nhà khảo cổ học nhận định rằng đây là di tích thời đại “hậu kỳ đá mới -
sơ kỳ đồng” ở lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ.  Nhóm hiện vật đặc trưng nhất ở đây là bộ sưu tập công cụ có vai làm bằng “yếm rùa” lần đầu tiên được phát hiện ở nước ta. Ngoài ra, cuộc khai quật còn phát hiện di cốt nhiều loại động vật và vỏ các loại nhuyễn thể (sò và ốc).

Cuộc khai quật di tích Rạch Núi lần thứ hai từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2003 do Bảo tàng Long An hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã có thêm những phát hiện mới về di vật như rìu vai, vòng tay bằng yếm rùa, đồ trang sức bằng vỏ sò ốc; nhiều công cụ chế tác đá như hòn ghè, bàn mài, hàng vạn mảnh gốm cổ, trong đó có những mẩu gốm thể hiện mối quan hệ với gốm ở các di tích tiền sử thuộc khu vực đất xám trên phù sa cổ An Sơn, Lộc Giang (Đức Hòa).

Dựa trên tư liệu và hiện vật phát hiện được từ hai cuộc khai quật trên, có thể nhận định rằng di tích khảo cổ học Rạch Núi có thể đã được khởi dựng cách nay khoảng 3.000 năm. Từ trên một vùng gò thấp ven biển, xung quanh là đầm lầy, rừng ngập mặn, những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này đã tụ cư và thể hiện nhiều sáng tạo trong việc khai thác mọi nguồn sản vật tự nhiên từ sông - biển, để lại những tầng lớp văn hóa vật chất, những bếp lửa sinh hoạt thời tiền sử, những kiểu công cụ lao động đặc sắc, có giá trị khoa học.

Trải qua vài trăm năm, nơi cư trú của những cộng đồng cư dân cổ ở đây đã trở thành một gò “núi đất” giữa cánh đồng phù sa trủng thấp, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng về một nền văn minh cổ thời đại “hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng” ở lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ.

Di tích Rạch Núi nằm trong hệ thống các di tích khảo cổ học ở Long An, với giá trị lịch sử - văn hóa, ý nghĩa khoa học và nhân văn, nơi ghi dấu đậm nét quá trình mở đất dựng nghiệp của người xưa trên vùng đất sình lầy ven biển, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia theo quyết định số 38/1999-QĐ-BVHTT ngày 11 tháng 6 năm 1999.

Ngôi chùa đơn sơ nhưng yên tĩnh, thanh bình

Ngôi chùa đơn sơ nhưng yên tĩnh, thanh bình (ảnh ST)

 

2. CHÙA THẠNH HÒA (ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Chùa Thạnh Hòa được Hòa Thượng Minh Nghĩa chính thức xây dựng từ những năm 1865. Hòa Thượng Minh Nghĩa nổi tiếng là người đạo cao, đức trọng với uy tín của mình đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hàng loạt chùa chiền trong vùng như: chùa Phước Lâm, chùa Quang Minh, chùa Quan Âm.
Khuôn viên chùa có diện tích 5.227m2, mái ngói âm dương vẫn được lưu giữ sau nhiều lần trùng tu làm tăng thêm vẻ cổ kính trang nghiêm. Chùa Thạnh Hòa là một quần thể kiến trúc gồm có: chùa, vườn chùa. Từ đường cái đi vào là tượng Quan Âm, tiếp đến là khu tháp của các tổ. Mặt tiền chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, nền cẩn gạch, trang trí hoa văn. Ngôi Chánh điện với kết cấu kiến trúc cũ, cột kèo bằng gỗ quý. Phía sau Chánh điện là Nhà tổ được thiết kế theo dạng “ tiền Phật – hậu tổ”. Nối tiếp Nhà tổ là Giảng đường, tại đây vào năm 1987 chùa đã thiết kế một nhóm tượng dưới dạng quần thể là hình ảnh biểu trưng cho đạo tràng pháp hoa gồm phật tử và tứ chúng. Hai bên Giảng đường là Đông lang và Tây lang, tại Tây lang có đặt bàn thờ trai giám và nhà bếp nằm ở phía sau.
Chùa Thạnh Hòa là một công trình kiến trúc cổ với nhiều cổ vật rất đa dạng và phong phú về chất liệu như đồng, gốm- sứ, gỗ. Kiến trúc chùa Thạnh Hòa rất đặc trưng cho kiểu kiến trúc đình chùa Nam bộ vào thế kỷ XIX. Về nghệ thuật trang trí, điêu khắc tại chùa Thạnh Hòa thể hiện trên các hoành phi, bao lam, câu đối, tượng thờ, thể hiện được sự tinh xảo của bàn tay nghệ nhân xưa từ bố cục đến đề tài, xử lý kiến trúc, là một phần di sản văn hóa Phật giáo được lưu giữ qua nhiều thế hệ ở địa phương. Chùa Thạnh Hòa còn là nơi lưu niệm nhà sư Hồng Hạnh – Thiện Thới – nhà sư trẻ tuổi, tài danh đã để lại dấu son trong lịch sử phát triển cho chùa và Phật giáo Nam Bộ.
Với những ý nghĩa đó, Chùa Thạnh Hòa đã được Ủy Ban nhân dân tỉnh Long An ra Quyết định số: 1306/QĐ-UB công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 09/04/2003.

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh